Di tích lịch sử phường Phong Khê
Phong Khê là một vùng quê có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, nhân dân Phong Khê luôn luôn đoàn kết chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm và nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Từ trong bóng đêm của chủ nghĩa thực dân phong kiến, nhân dân Phong Khê hăng hái đi theo ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia khởi nghĩa vũ trang giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở địa phương. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phong Khê chịu đựng gian khổ, với mất mát hy sinh to lớn đóng góp sức người, sức của cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nghe theo tiếng gọi của Đảng, lớp lớp thanh niên Phong Khê lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Những người ở lại chắt chiu từng cân lương thực, thực phẩm gửi ra tiền tuyến. Nhiều người con đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương.
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, sự nghiệp chính trị, kinh tế, văn hóa của Phong Khê có bước tiến vững chắc. Tình hình an ninh chính trị được ổn định, cơ sở hạ tầng được xây dựng, củng cố ngày càng hoàn thiện. Đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao cải thiện mọi mặt. Đó là những chặng đường lịch sử rất đỗi tự hào, là một tài sản vô giá của Đảng bộ và nhân dân Phong Khê.
Phong Khê là một phường nằm ở phía Tây Nam thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm thành phố 4 km về hướng Đông Bắc. Phong Khê có nghề truyền thống làm giấy, từ Bắc đến Nam đều biết đến. Phong Khê còn là một trong những nơi sản sinh ra các làn điệu Quan họ mượt mà, đằm thắm, đậm chất trữ tình của người Kinh Bắc. Phía Bắc giáp phường Vạn An, xã Đông Phong (huyện Yên Phong); phía Tây giáp xã Vân Tương và xã Phú Lâm (huyện Tiên Du); phía Đông giáp phường Khúc Xuyên và phía Nam giáp phường Võ Cường. Diện tích tự nhiên là 5,49 km², dân số năm 2014 là 13.520 người, mật độ dân số đạt 2.462 người/km².
Những tên làng, tên xã Phong Khê từng biến đổi theo dòng thời gian và theo từng mốc son lịch sử của dân tộc.
Phong Khê được tạo bởi 4 khu: Dương Ổ, Đào Xá, Châm Khê và Ngô Khê. Trước năm 1945, Dương Ổ cùng với Xuân Ổ (nay là khu Xuân Ổ thuộc phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh) thuộc xã Xuân Dương, huyện Võ Giàng; Ngô Khê là 1 xã thuộc huyện Yên Phong; Châm Khê và Đào Xá thuộc xã Châm Khê, tổng Châm Khê.
Tháng 1-1946, sau cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các thôn Châm Khê, Đào Xá, Dương Ổ thuộc khu Kinh Bắc, huyện Võ Giàng.
Tháng 8-1948, các thôn Châm Khê, Dương Ổ, Đào Xá, Ngô Khê, Trà Xuyên, Khúc Toại hợp thành xã Phong Khê, thuộc huyện Yên Phong.
Tháng 1-1950, theo yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Phong Khê cùng với một số xã phía Nam sông Ngũ Huyện Khê như Hoà Long, Vạn An, thuộc thành phố Bắc Ninh.
Tháng 8-1957, các thôn Trà Xuyên, Khúc Toại được tách khỏi xã Phong Khê và hình thành xã Khúc Xuyên. Xã Phong Khê còn lại 4 thôn: Dương Ổ, Đào Xá, Châm Khê, Ngô Khê thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Năm 1962, Quốc hội khóa II ra Nghị quyết hợp nhất 2 tỉnh Bắc Ninh- Bắc Giang thành tỉnh Hà Bắc. Xã Phong Khê thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc. Ngày 6-11-1996, Quốc hội ra Quyết định tách tỉnh Hà Bắc thành 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Ngày 9- 4-2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2007/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Yên Phong, huyện Quế Võ, huyện Tiên Du để mở rộng thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Thực hiện Nghị định của Chính phủ, từ ngày 1-8-2007, các xã Hòa Long, Vạn An, Khúc Xuyên, Phong Khê (thuộc huyện Yên Phong), Kim Chân, Vân Dương, Nam Sơn (thuộc huyện Quế Võ), Hạp Lĩnh, Khắc Niệm (thuộc huyện Tiên Du) đã chuyển về thành phố Bắc Ninh.
Ngày 29-12-2013, Thủ tướng Chính phủ có Nghị quyết số 137/NQ-CP về việc “Thành lập các phường Khắc Niệm, Khúc Xuyên và Phong Khê thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh”. Từ ngày 1-3-2014, xã Phong Khê được chuyển thành phường Phong Khê thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Phong Khê có sông Ngũ Huyện Khê quanh co, uốn khúc chảy giữa trung tâm phường, dòng sông cung cấp nguồn nước vô tận cho nhân dân địa phương sản xuất và sinh hoạt.
Mỗi tên đất, tên làng đều gắn liền với những chứng tích lịch sử khó quên của mảnh đất, con người nơi đây. Và nó cũng đã từng thắm biết bao máu, xương, công sức của các thế hệ. Quá trình dựng làng, lập xã là một chuỗi thời gian dài, bền bỉ, nỗ lực không biết mệt mỏi của nhân dân địa phương để tồn tại và đi lên.
Vốn là miền quê thuần nông, người dân Phong Khê rất kiên cường, anh dũng trong đấu tranh khi có họa xâm lăng, cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất. Đất và người Phong Khê không ngừng viết lên những truyền thống sáng ngời, ngày càng tô đẹp quê hương.
Trong cuộc chinh phục thiên nhiên, người dân Phong Khê đã chứng tỏ sự hy sinh to lớn và ý chí kiên cường. Năm 1975, đoàn khảo cổ học tỉnh Hà Bắc đã phát hiện và khai quật được di chỉ ở khu đồng Bạch, thuộc địa phận thôn Dương Ổ và phát hiện được một số hiện vật cổ như chày nghiền đá, bàn mài đá, gốm đen… thuộc nền văn hoá Phùng Nguyên giai đoạn muộn chuyển sang văn hoá đồng thau.
Theo cuốn “Một Hà Bắc cổ trong lòng đất” có ghi: “Di chỉ đầu thời đại Đồng thau trên đôi bờ Ngũ Huyện Khê và Tiêu Tương cho thấy nét trội của văn hoá núi (Phùng nguyên) và cả những nét của văn hoá biển (Hạ Long). Tham gia khai phá đồng bằng chắc chắn có phần công lao của những bộ lạc biển”.
Những người đầu tiên của Phong Khê đến quần tụ bên đôi bờ sông Tiêu Tương và sông Ngũ Huyện Khê dựng xóm, xây làng và bắt đầu quen với cuộc sống định cư. Một vùng đất hoang vu và rậm rạp biết bao thế hệ Phong Khê đã kiên trì, bền bỉ lao động để giành giật lấy cuộc sống. Đến nơi này hôm nay đủ thấy biết bao mồ hôi, công sức đã từng đổ xuống. Dòng sông Tiêu Tương cổ nay không còn nữa. Dòng sông dài 20km nối liền Ngũ Huyện Khê về sông Đuống qua địa phận Phong Khê bây giờ chỉ còn cầu Tiên, cầu Rồng, đồng Bạch… những địa danh từng gắn bó với dòng sông Tiêu Tương.
Nhân dân Phong Khê vốn có truyền thống lao động cần cù chịu thương, chịu khó.
Một vùng đất chỉ có ít vàn cao, còn lại hầu hết là đồng trũng “chưa mưa đã úng”. Đã từ lâu đời, sản xuất nông nghiệp được coi là nghề chính của nhân dân địa phương. Những cánh rừng rậm rạp đã dần dần nhường chỗ cho những thửa ruộng canh tác. Với bàn tay, khối óc của con người, làng xóm Phong Khê ngày càng phát triển, cùng với trồng trọt nhân dân địa phương đã phát triển chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò và thả cá. Nghề sản xuất giấy Dó cũng đã hình thành và phát triển cung cấp giấy cho các triều đình và cho các địa phương. Theo sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, biên soạn vào thế kỷ XV thì nghề giấy dó có thể có từ trước đời Trần (thế kỷ XIV). Còn theo sách “Nghề cổ nước Việt” thì ông tổ nghề của nghề giấy dó tên là Thái Luân. Thái Luân quê ở Trung Quốc, cùng với 13 người bạn đi xuống phương Nam (Việt Nam), khi đến kinh đô Thăng Long, mỗi người dạy cho dân chúng một nghề thủ công khác nhau. Thái Luân vừa giỏi nghề dệt vải, vừa giỏi nghề làm giấy nên đã dạy cho dân làng Yên Thái (Hà Nội) và Đống Cao (tức Dương Ổ- Bắc Ninh) nghề làm giấy Dó. Sau khi ông mất, dân làng Yên Thái và Đống Cao (Dương Ổ) tôn ông làm tổ nghề. Từ đó cứ đến ngày 16 tháng 8 âm lịch hàng năm, hai làng làm giấy đều làm giỗ tổ nghề. Trong ngày giỗ tổ, mỗi gia đình chọn vài chục tờ giấy tốt nhất, đẹp nhất do mình làm ra, dát kim, nhũ, in hoa thật đẹp, đề 4 chữ “Thái Luân tiên sư” để làm lễ, khi làm lễ xong thì đem đốt những tờ giấy đó, với ước nguyện được tổ nghề phù hộ để làng nghề phát triển. Lễ giỗ tổ nghề giấy còn được duy trì đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Điều đó chứng tỏ nhân dân Phong Khê vừa có đức tính cần cù lao động, vừa có bàn tay khéo léo, trí tuệ, sáng tạo trong lao động sản xuất, góp phần làm phong phú thêm cuộc sống của mình.
Và cũng từ rất sớm nền kinh tế tiểu thương ở nơi này đã ra đời và phát triển. Nằm trên vùng đất có ưu thế lớn về giao thông. Phong Khê ngược dòng Ngũ Huyện Khê đến tận kinh đô Cổ Loa, hoặc xuôi về Đáp Cầu đi Phả Lại, Hải Phòng. Qua sông Tiêu Tương đổ ra sông Đuống theo về Hà Nội đi khắp mọi nơi. Lại nằm kề quốc lộ 1A, là đầu mối của các trục giao lưu Nam Bắc.
Từ lâu chợ Đống Cao cùng với chợ Ó nổi tiếng một vùng. Tại đây, nhân dân Phong Khê cùng với nhân dân các khu vực xung quanh trao đổi các loại hàng hoá và nông sản.
Trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm giữ gìn bờ cõi đất nước, người dân Phong Khê sớm nêu cao tình thần yêu nước, ý chí căm thù giặc cùng với cả dân tộc đánh đuổi giặc ngoại xâm. Ngay từ buổi đầu thực dân Pháp đặt chân lên đất nước ta, nhiều người dân Phong Khê đã hưởng ứng “Phong trào Cần Vương” đấu tranh chống giặc. Nhiều người đứng lên cầm súng theo nghĩa quân của người anh hùng nông dân áo vải Hoàng Hoa Thám đánh giặc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Phong Khê đã đóng góp một phần đáng kể cùng với nhân dân cả nước.
Truyền thống văn hoá và những di tích lịch sử, văn hóa của người dân nơi đây cũng biểu hiện sức sống mãnh liệt. Phong Khê trước đây làng nào cũng có đình, chùa được kiến trúc đẹp và độc đáo, biểu thị lòng kính trọng biết ơn những người đã có công với nước. Hầu hết đình, chùa Phong Khê không những có giá trị về mặt văn hoá mà nơi đây cũng là cơ sở hoạt động của du kích và cán bộ ta trong suốt thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Hơn nữa nó còn là những chiến tích đầy sống động ghi nhận công lao đóng góp và bàn tay khéo léo, sáng tạo của nhân dân địa phương. Những ngôi đình, ngôi đền Phong Khê còn là nơi tập trung các nghi thức thờ cúng tổ tiên, Thành hoàng làng của các thôn hàng năm. Người dân trong các cộng đồng làng tham gia vào các nghi thức tôn nghiêm hướng về cội nguồn, tưởng nhớ những người có công lao với dân, với nước. Năm Tự Đức thứ 28, triều đình đã phong Châm Khê “Mỹ tục khả phong” hiện còn treo ở tiền tế đình làng.
Khu Dương Ổ (còn có tên nôm là Đống Cao). Buổi đầu lập làng trên mảnh đất hoang vu, rậm rạp, những người dân nơi đây đã chọn những khu đất cao, bên bờ nam sông Ngũ Huyện Khê dựng nhà, xây xóm. Để tồn tại và trụ vững nơi đây họ luôn phải chống chọi với thiên nhiên, thú dữ để bảo vệ giống nòi, bảo vệ sản xuất. Lúc này nguồn sống chính của họ là săn bắn, hái lượm.
Trước kia, thôn nằm ở phía Nam đường sắt và Quốc lộ 1A, sau này do những thăng trầm của lịch sử thôn chuyển sang phía Bắc đường sắt và ở rìa sông Ngũ Huyện Khê. Thôn có chợ làng họp vào buổi sáng hàng ngày, hàng hoá trao đổi ở chợ là các loại hàng tạp hoá, lương thực, thực phẩm thường dùng. Nghề chính của người dân địa phương là làm nông nghiệp và làm nghề thủ công cổ truyền: làm giấy.
Xưa có 4 giáp: Đông, Tây, Nam, Bắc và có 4 xóm: xóm Sổ, xóm Giữa, xóm Ngoài, xóm Bến. Thôn có các xứ đồng với các tên gọi khác nhau như: đồng Cái, đồng Con, đồng Lũng, đồng Chùa, đồng Gié, đồng Ngòi, đồng Bạch, đồng Đầu, gò con Ngựa, đồng Mũi Đao, đồng Yên Ngựa… Tên các xóm ngõ, ao hồ, các xứ đồng đều có liên quan đến sự tích Trương Hống, Trương Hát đánh trận qua đây, phản ánh về một thời kỳ lịch sử diễn ra trên mảnh đất quê hương, đồng thời nói lên sự cổ kính, lâu đời của thôn.
Phong tục tập quán:
Về cưới: cũng giống như các làng trong xã, nhưng có một chi tiết khác là: ở thôn, người đóng vai trò thông tin liên lạc của nhà trai với nhà gái là bà Manh và ông Mối. Ngày đón dâu, trước đây có tục nhà gái đóng cổng nếu nhà trai đến sớm hơn giờ hẹn thì phải chờ. Khi đến giờ, ông Mối phải thưởng tiền cho trẻ (khoảng 12- 13 tuổi) chúng mới cho mở cửa để vào nhà gái. Khi đoàn rước dâu đã đến nhà gái, nhà trai phải biện dăm chục ngàn để một người con trai của nhà gái (khoảng 13 tuổi) thắp hương lên bàn thờ, mở đầu lễ rước dâu.
Một tục lệ rất đặc biệt là “cỗ con gái”. Ngày xưa mỗi khi gia đình nào đó có con gái đi lấy chồng, ngoài lệ nộp cheo cho làng còn phải làm “cỗ con gái”. Sở dĩ gọi là “cỗ con gái” vì cỗ này dùng để cô gái lấy chồng đãi bạn gái mình. “Cỗ con gái” bao gồm cả cỗ mặn và cỗ chay. Riêng cỗ chay có đủ các loại bánh đặc sản của địa phương mà các cô gái làm ra như: bánh phu thê, bánh rán, bánh cuốn… “Cỗ con gái” ở thôn Dương Ổ có ý nghĩa đề cao đức tính cần cù và khéo léo của người con gái làng nghề.
Lễ hội: Lễ hội ngày mùng 7 tháng giêng được diễn ra từ đêm mùng 6 đến ngày mùng 7 tháng giêng có liên quan đến tục thờ bà Đống. Tục thờ bà Đống là chung cho cả hai thôn Hoà Đình (phường Võ Cường) và thôn Dương Ổ. Lễ hội ngày 10-4 (âm lịch) được tổ chức là để kỷ niệm ngày hoá của Thành hoàng làng. Phần lễ có nghi lễ rước bài vị Thành hoàng từ đền về đình để tế. Lễ hội ngày 15/4 (âm lịch)- giỗ Cầu Mẫu
Làng có đình, chùa và đền là những nơi thờ tự của nhân dân
Đình Dương Ổ
tọa lạc giữa làng, nhìn về hướng Đông Nam. Căn cứ vào các tài liệu, hiện vật ở địa phương thì đình được xây dựng từ thời Lê. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Dương Ổ bị phá hủy. Năm 1994, đình Dương Ổ được phục hồi tại vị trí cũ. Đình được xây dựng theo phong cách truyền thống, kết cấu 4 mái, 6 đao cong, trên bờ nóc gian giữa đắp rồng chầu mặt nguyệt. Đình có kết cấu chữ Đinh (J), 3 gian 2 chái Tiền tế, 2 gian Hậu cung, phía trước lập hệ thống cửa chắn song con tiện. Bộ khung đình được cấu thành bởi các cấu kiện gỗ khỏe, cột cái chu vi 1,6 mét. Đình Dương Ổ cũng được trang trí chạm trổ theo phong cách xưa.
Hiện vật ở đình bao gồm hệ thống hoành phi, cấu đối, bát biểu, ngựa gỗ, hương án gỗ… đều là những hiện vật cổ. Đặc biệt đình còn lưu giữ tấm bia đá “Hậu Thần bi ký” dựng năm 1702, 7 đạo sắc phong thời Nguyễn phong tặng cho vị thần ở đình là Đức Thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát).
Đền làng Dương Ổ: nằm kề bên bờ sông Ngũ Huyện Khê, được khởi dựng vào thời Lê, quy mô và hiện trạng khá nguyên vẹn. Đền gồm 2 tòa song song theo kiểu chữ Nhị. Tòa Tiền tế gồm 3 gian 2 trái, kiến trúc kiểu 4 mái, mỗi gác mái một đầu đao cong, mái thấp, hiên rộng, nền vỉa đá tảng, lát gạch vuông. Các bộ vì theo kiểu thượng chồng giường, hạ kẻ trường cột phân 4 hàng ngang dọc. Đền thượng 3 gian 2 chái và Hậu cung. Về cơ bản kiến trúc giống tòa Tiền tế nhưng tòa này chia làm 2 tầng. Nghệ thuật chạm khắc trang trí mang đậm dấu ấn nghệ thuật thời Nguyễn, đều tập trung ở các xà ngang, xà nách, đầu dư, con chồng, đề tài chủ đạo là rồng mây và chạm nổi mang đậm nét của nghệ thuật thời Lê. Nét độc đáo ở đây là nghệ thuật chạm trổ trên các xà ngang, mỗi xà hai con rồng khắc nổi dài bằng cả cây xà 3 mét đang vươn mình vượt lên những đám mây tưởng như những đôi rồng đang gồng mình nâng cả ngôi đền đồ sộ lên.
Đền làng thờ Đức Thánh Tam Giang, tư liệu về các vị thần tập trung ở các bức hoành phi, câu đối gỗ được tạo tác vào thời Thành Thái (1889- 1907) và Duy Tân (1910). Đền có ngai thờ, bài vị, sập thờ, hương án, chóe thờ, hạc gỗ cao to, bảng văn… đều có niên đại thời Lê và Nguyễn. Đặc biệt đền còn lưu giữ lọ độc bình và chóe thờ- sản phẩm gốm của nhà Thanh (Trung Quốc). Tại khu vực đền có hàng chục cây cổ thụ niên đại trên 100 năm. Năm 2002, đền Dương Ổ được xếp hạng “Di tích lịch sử nghệ thuật” cấp quốc gia.
Chùa làng Dương Ổ (có tên là Hồng Ân tự). Chùa nằm cùng khuôn viên với đình. Tài liệu văn bia cho biết ở thế kỷ 17 chùa Hồng Ân đã là một trung tâm Phật giáo và có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân địa phương. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp chùa bị phá hủy. Năm 1996- 1997, nhân dân địa phương và phật tử cung đức xây dựng chùa như hiện nay.
Chùa có bình đồ kiến trúc chữ Đình (J), 3 gian 2 chái Tiền đường và 3 gian Thượng điện. Bộ mái tòa tiền đường cấu trúc kiểu chồng diêm mái chảy, 4 mái với 8 đầu đao cong. Bộ khung nhà cấu trúc theo phong cách truyền thống. Phía sau tòa tam bảo của chùa là 5 gian nhà Tổ.
Giá trị cơ bản của chùa Hồng Ân hiện nay là những di vật cổ của chùa: Quả chuông “Hồng Ân tự chung” đúc năm 1802, 4 tấm bia đá dựng tại vườn chùa dựng khắc vào các năm 1702, 1750, 1754, 1828, nội dung ghi việc hậu phật và một số tấm gia “Ký tự bi” (gửi giỗ) có niên đại từ thời Nguyễn.
Chùa Vạc: còn có tên là Sùng Ân tự. Chùa nằm phía Tây Bắc của làng. Chùa có kết cấu kiến trúc chữ Nhị, tòa tam bảo 3 gian có phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, tại đây còn 3 pho tượng Tam thế cổ chất liệu gỗ tạo tác vào thời Nguyễn. Tại khu vực chùa Vạc có một cây cổ thụ trên 400 tuổi.
Nghè Dương Ổ
mái cong tĩnh mặc dưới chân cầu nước lững lờ trôi, nơi đây thời tướng quân Trương Hống, Trương Hát. Đình làng Dương Ổ cổ kính có tam quan đẹp nhất vùng. Đình làng Sái (huyện Đông Anh- Hà Nội) đã từng học mẫu ở đây. Đình thôn Đào Xá bề thế có kiến trúc sắc nét và độc đáo([1]). Chùa Đào Xá rêu phong là chốn danh lam cổ kính sơn thuỷ hữu tình long hổ đăng đôi, tượng phật sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Đình Châm Khê nay vẫn còn nguyên vẹn là một kiến trúc cổ có giá trị. Cảnh quan bố trí hài hoà với cây đa, bến nước, càng làm tăng thêm chất khí quê hương.
Dương Ổ có làn điệu dân ca quan họ đặc sắc điệu “Hừ la”… và cũng có tục kết bạn, tục “ngủ bọn”. Con người nơi đây chẳng những yêu lao động, sản xuất mà còn đậm chất trữ tình
Hỡi cô thắt dải bao xanh
Có về Dương Ổ với anh thì về
Dương Ổ có lịch có lề
Có ao tắm mát, có nghề sen can
Người ta đúc tượng xây chùa
Còn em seo giấy bốn mùa chẳng ngơi
Dám xin sư bác chớ cười
Vì em seo giấy cho người chép kinh
Người ta buôn vạn bán ngàn
Em đây seo giấy cơ hàn vẫn tươi
Dám xin ai đó chớ cười
Vì em seo giấy cho người đề thơ.
Khu Ngô Khê:
Ngô Khê được bao bọc bởi 3 mặt là sông Ngũ Huyện Khê; có các xứ đồng: Tam Vàng (vì trên cánh đồng trước đây có 3 chum vàng do người Tầu cất giấu nên có tên đó), Ngõ Hợi, Trà Muộn, Sau Đàng, Cửa Am, Đồng Trước, Đồng Sâu, Trà Lống, Nghè Cả, Bãi Chùa, Cửa Đình, Con Ngựa, Đồng Sâu, Cây Xanh, Cầu Xa. Dựa theo tên các xứ đồng, chúng ta biết được rằng trước khi có đạo Công giáo, làng Ngô Khê cũng có chùa, đình, am, nghè như những làng khác trong vùng.
Phong tục của làng có đôi nét đặc trưng riêng
Việc cưới: Nếu đôi trai gái cùng là người theo đạo Công giáo thì trình với cha xứ. Cha xứ cho rao trong họ đạo 3 tuần liền. Nếu không ai thấy đôi trai gái này mắc ngăn trở gì thì đôi trai gái đó đến chính quyền xã xin giấy đăng ký kết hôn, rồi đến nhà thờ xin cha xứ làm lễ hôn phối cho. Nếu có người phát hiện đôi trai gái đó mắc một trong nhưng ngăn trở sau đây: bị cha mẹ ép duyên, có quan hệ huyết thống, một trong hai người bị vô sinh hoặc bị bệnh truyền nhiễm và báo với cha xứ. Cha xứ cho gọi đôi trai gái đó đến nhà thờ nói rõ tình hình đó cho họ biết, nếu họ vẫn quyết tâm lấy nhau thì cha xứ làm lễ cho. Nếu đôi trai gái đó có một người không có đạo hoặc có đạo khác thì người đó muốn được kết hôn với người kia, anh ta (chị ta) phải theo đạo bằng cách học kinh, chịu phép Bí tích rửa tội, sau đó mới được làm lễ hôn phối. Lễ hôn phối được tiến hành tại nhà thờ rất trang trọng với sự chứng kiến của cha xứ và đông đảo giáo dân.
Ngày lệ dân: Hàng năm, toàn dân họp lệ dân vào ngày rằm tháng riêng âm lịch. Mỗi suất đinh từ 18 tuổi lên có quyền lợi và trách nhiệm sinh hoạt ngày lệ dân. Ai không tham dự sẽ mất quyền lợi, nhưng vẫn phải thi hành những quyết nghị của dân. Hàng năm, mỗi suất đinh (18 tuổi trở lên) đóng 5kg thóc vụ chiêm và 5kg thóc vụ mùa cho Ban Xôn để tham dự hai bữa liên hoan ngày rằm tháng giêng âm lịch và ngày 1 tháng 5 dương lịch là ngày lễ Thánh Juse bảo trợ dân họ.
Những suất đinh đi làm ăn xa, gia đình ở nhà vẫn có quyền lợi và trách nhiệm đối với việc dân. Những suất đinh mà cả gia đình đã rời bỏ quê hương, sau 6 tháng dân cắt mọi quyền lợi và nghĩa vụ trong dân. Nếu dưới 3 năm trở lại quê, khi xin nhập dân phải nộp mỗi suất đinh 3kg thóc và phải xếp cuối độ tuổi của mình.
Việc hậu và xin lễ cầu nguyện: Để tưởng niệm những ân nhân khi còn sống đã có lòng, cung tiến tài sản góp hậu, góp nhiều công sức… ông trùm chính có trách nhiệm thông báo cho toàn dân được biết để cầu nguyện cho linh hồn người quá cố. Dân tiếp nhận những ai muốn xin giỗ hậu. Định mức xin giỗ hậu tối thiểu bằng 1.000kg thóc. Cứ đến ngày giỗ một vị hậu nào đó thì các vị quan viên (từ 45 tuổi trở lên) được đi cầu nguyện và dự cỗ.
Tín ngưỡng: dân làng Ngô Khê chủ yếu theo đạo Công giáo. Đạo Công giáo có mặt ở Ngô Khê từ năm 1893. Người đầu tiên theo đạo là ông chánh tổng Nguyễn Văn Cần. Đến năm 1933, nhà thờ được xây dựng lại có nền cao, tường xây gạch và các cột toàn bằng gỗ lim. Năm 1945, tháp chuông nhà thờ được xây với chiều cao 28m, sau đó cây Thánh giá trên đỉnh bị sét đánh gãy. Năm 1997, nhờ sự hỗ trợ của bà con đồng hương Ngô Khê ở nước ngoài, cây Thánh giá trên đỉnh tháp được khôi phục như kiểu dáng ban đầu. Cùng với việc xây dựng lại tháp chuông, các hạng mục công trình khác của nhà thờ cũng dần được hoàn thiện. Đến năm 2002, nhà thờ được sửa chữa và xây dựng thêm một số hạng mục mới. Hiện nay trong lòng nhà thờ Ngô Khê có diện tích là 270m2, gồm 7 gian, trong đó có 2 gian cung Thánh.
Giúp việc cho Linh mục là ban hành giáo họ, trong đó vai trò quan trọng nhất là ông trùm. Ông trùm họ do dân tín nhiệm bầu ra và được đức Giám mục phê chuẩn. Ông trùm họ có trách nhiệm đón cha về làm phúc và chuẩn bị mỗi ngày hai bữa cơm, nước nôi tiếp đãi cha, các thầy, các cậu giúp lễ trong suốt tuần đại phúc. Ngoài ông trùm, còn có hai vị quản giáo (một vị quản giáo nam, một vị quản giáo nữ) và Bõ hay câu giúp việc ban hành giáo.
Từ khi Công giáo được du nhập vào Ngô Khê, đến năm 2001 đã có 21 người được phong Linh mục. Vị Linh mục đầu tiêu người Ngô Khê là ngài Ngô Văn Yên. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khi trụ xứ Cẩm Giang (huyện Từ Sơn, nay là thị xã Từ Sơn), Linh mục Ngô Văn Yên tham gia Uỷ viên Uỷ ban kháng chiến tỉnh Bắc Ninh và có những đóng góp với kháng chiến. Vì vậy đầu năm 1948, sau khi được Uỷ ban kháng chiến khu XII báo cáo về những thành tích kháng chiến của Linh mục Ngô Văn Yên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời viết thư động viên Linh mục
“Thưa ngài.
Tôi rất vui lòng được Uỷ ban kháng chiến khu XII báo cáo rằng: Ngoài sự làm tròn nhiệm vụ một uỷ viên trong Uỷ ban kháng chiến tỉnh Bắc Ninh, ngài đã luôn luôn ra sức củng cố tinh thần đại đoàn kết giữa đồng bào lương và giáo. Ngài luôn luôn tận tâm săn sóc anh em thương binh, ngài lại không nhận lương phụ cấp.
Như thế là ngài đã nêu cao cái gương cần, kiệm, liêm, chính cho mọi người. Ngài đã và đang giúp một cách đắc lực vào công cuộc kháng chiến cứu nước.
Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ khen ngợi ngài. Tôi chắc chắn rằng với những người đại biểu hi sinh kiên nhẫn như ngài thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất độc lập nhất định thành công.
Chào thân ái và quyết thắng!
Châm Khê, còn có tên nôm là làng Bùi Xá. Xưa có 4 giáp (đông, đoài, nam, bắc), cùng với 9 xóm: xóm ngõ Chùa, xóm ngõ Phe, ngõ Cộc, ngõ Cả, ngõ Đồng, xóm Đống, xóm ngõ Hy, cổng Chòi, cổng Đồng; có các dòng họ: Nguyễn, Lê, Trần, Phạm, Chu, Bùi. Khu có nhiều xứ đồng như: đồng Cầu, đồng Khê, đồng Đanh, đồng Dộc (Dộc trên và Dộc dưới), đồng Tu, từa cây Táo, gò con Cá, đồng Suối, đồng Mẫu Tám, đồng Nguyễn, đồng Tam Vàng, Cái Nhảo, đồng Cỏ, đồng Quan, đồng Cói, chuôm Lấp, Lá cờ.
Phong tục tập quán:
Tục mua Nhiêu và khao: Nhiêu chỉ có thể mua mới có. Trước đây, mỗi khi làng có việc công cần phải chi dùng đến tiền, các cụ bô lão trong làng bèn họp nhau lại để bàn việc bán Nhiêu. Sau khi mua được Nhiêu, người đàn ông đó được dự các cuộc tế Thành hoàng làng, không phải phu phen tạp dịch, nhưng vẫn phải đi lính. Việc khao có 2 loại: Một là, khao được làm ông đám (còn gọi là cai đám hoặc ông từ). Sau khi được làng cử làm ông Đám, ông ta phải mổ trâu, mổ bò, mổ lợn để tổ chức một đám khao mời dân làng, họ hàng đến ăn uống. Hai là, khao trúng chức lý trưởng, chánh tổng. Trong đám khao này tuy làm cỗ to nhưng chỉ mời họ hàng và các quan chức.
Tục kết chạ: làng Châm Khê kết chạ với các làng: Đông Xá, Đông Yên (xã Đông Phong, huyện Yên Phong). Tại cánh đồng nơi giáp ranh giữa các làng có một cái gò, trên đó các cụ cắm một cái mốc bằng đá, có khoan một cái lỗ tròn, sâu 20cm, miệng lỗ rộng bằng miệng chén uống nước. Hàng năm lễ giao ước về việc quản lý đồn điền được tổ chức tại gò đó. Việc thu lúa xương hàng năm cũng được thực hiện tại đây. Cái gò đó được gọi là gò Ba Chạ, từ thời kỳ chống Pháp, gò Ba Chạ không còn nữa.
Hội hè, đình đám: nếu được mùa thì làng mở hội 10 ngày, bắt đầu từ ngày mùng 1 đến cho hết ngày mùng 10-8; nếu năm nào bị mất mùa thì chỉ mở hội hai ngày là ngày 3 và 4 tháng 8 Âm lịch. Lễ hội trước đây được tổ chức theo lịch mùng một: tắm “phỗng”; mùng hai: “phỗng” khô; mùng ba: phong cờ; mùng bốn: nhập tịch. Sau các cuộc tế có nghi lễ tắm “phỗng”. Nghi lễ tắm “phỗng” được thực hiện vào ngày mùng 1-8 âm lịch. Những người được tham gia tắm “phỗng” là ông cai đám, các vị quan viên, chức sắc trong làng. Nước được dùng để tắm “phỗng” là nước mưa hoặc nước sông, được chứa trong chum. Các ông trưởng giáp, các liền anh có trách nhiệm phục vụ ông cai đám.
Hội chùa được tổ chức từ tối 27 cho đến hết ngày 28 tháng giêng. Hội chùa có các nghi lễ tắm Phật. Nước dùng để tắm Phật được lấy từ giếng nghè dâng hương, kể hạnh, tụng kinh, niệm Phật, hát Quan họ. Hát Quan họ được tổ chức từ đêm 27 và ngày 28, các liền anh, liền chị trong làng hát giao lưu với các liền anh, liền chị Quan họ các làng lân cận và làng kết chạ.
Các di tích văn hóa:
Đình làng Châm Khê: được xây dựng vào thời Lê, là một ngôi đình cổ có giá trị lớn trong hệ thống các di tích thời Lê còn lại ở Bắc Ninh. Bình đồ kiến trúc đình gồm 2 tòa Tiền Tế và tòa Đại đình.
Tòa Tiền Tế gồm 3 gian 2 dĩ phân khá đều đặn, 2 bên đầu hồi bít đốc, phía trước và sau để thoáng. Hệ thống cột phân đều theo 4 hàng ngang dọc trợ đỡ cho 4 bộ vì kèo. Hệ thống cột khá to khỏe ở cả hai tòa Tiền tế và Đại đình đều được kê trên tảng đá xanh hình trụ nhẵn bóng. Kết cấu các bộ vì theo kiểu thượng con chồng, giá chiêng, hạ kẻ trường. Tòa Hậu cung được xây dựng vào thời Nguyễn, các bộ phận gỗ chủ yếu bào trơn, đóng bén. Nghệ thuật trạm khắc, trang trí của đình Châm Khê thể hiện trên hầu hết các bức cốn, đầu dư, nghé bẩy, xà… Đặc biệt ở bức cửa võng vẫn là đề tài tứ linh, tứ quý và vân mây lưỡi mác, nhưng có sự biến tấu đầy sức sáng tạo, tạo lên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, đa dạng mang đậm tính nhân văn, tính lịch sử của dân tộc ở thế kỷ 17- 18.
Ngoài giá trị kiến trúc nghệ thuật, đình Châm Khê còn lưu giữ nhiều tài liệu hiện vật quý. Hệ thống hoành phi, câu đối cổ có nội dung phong phú. Tại tòa Tiền tế có treo một bức hoành phi cổ lớn chạm nổi 4 chữ hán “Mỹ tục khả phong” do triều đình nhà Nguyễn ban tặng năm 1875. Các hiện vật chủ yếu tập trung ở tòa Đại đình bao gồm: ngai thờ, hương án, phỗng thờ, nối hương gốm, bộ chấp kích, bát biểu… hầu hết đầu có niên đại thời Lê và Nguyễn.
Đặc biệt đình còn lưu giữ 8 đạo sắc phong do các đời vua triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn phong tặng (từ 1740 đến 1924). Nội dung sắc phong và hệ thống hoành phi, câu đối cho biết đình Châm Khê thờ Đức Thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát).
Chùa Châm Khê:
còn có tên là Thiên Phúc tự hay chùa Bùi, thời Duy Tân thứ 2, kiến trúc chùa hiện nay đều mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê và Nguyễn.
Các hạng mục kiến trúc của chùa Châm Khê bao gồm: tòa Tam bảo, nhà điện, nhà khách. Tòa Tam bảo kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) là sự liên kết của hai tòa: Tiền đường 5 gian và Thượng điện 3 gian. Trên thượng lương tòa Tiền đường ghi niên đại tu sửa vào năm 1908. Tòa điện (nhà Mẫu) 4 gian, nhà khách 5 gian và các bức cốn, đầu dư, nghé bẩy tòa Tam bảo chạm khắc đề tài rồng mây, hoa cúc, cây cỏ… mang đặc trưng kiến trúc nghệ thuật thời Lê và nguyễn.
Hiện vật của chùa bao gồm: 6 bức đại tự, 4 đôi câu đối, hệ thống tượng gỗ cổ 30 pho có niên đại thời Lê và Nguyễn. Trong đó có toàn Cửu Long, tòa Quan Âm Thiên thủ Thiên nhỡn là những tác phẩm kỳ công điêu luyện. Một tấm bia đá “Nam Giáp bi truyền” dựng năm 1730, một cây hương đá dựng năm 1687, 2 sắc phong thần do vua Gia Long phong cho Mẫu Liễu Hạnh vào năm 1809 và vua Tự Đức phong năm 1850. Quả chuông đồng lớn cao 1,3 mét được đúc vào năm 1842, đây là quả chông vốn của chùa Linh Am cổ được đưa về bảo quản tại chùa Thiên Phúc.
Chùa Đông: còn có tên gọi là Linh An tự, có tên chữ là Linh Khánh tự. Chùa Đông là gọi theo tên xóm vì chùa ở xóm Đông, thuộc phía Đông Bắc của làng Châm Khê. Xưa chùa nằm sát đê sông Ngũ Huyện Khê, do yêu cầu tu bổ đê, chùa bị lấn dần. Năm 1996, địa phương di chuyển chùa về vị trí hiện nay.
Linh Khánh tự vốn được khởi dựng vào thời Lê, tu bổ vào thời Nguyễn. Chùa hiện nay kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 3 gian Tiền đường và Thượng điện. Chùa có đại tự, câu đối, 2 pho tượng gỗ có niên đại thời nguyễn là tượng Thích Ca và tượng Đức Ông, một quả chuông đồng bảo quản ở chùa Thiên Phúc.
Châm Khê là một trong nhiều làng Quan họ gốc của tỉnh Bắc Ninh, có nhiều nghệ nhân nổi tiếng trong vùng, có các làn điệu “la rằng”, “ngồi tựa song đào”… Châm Khê có tục hát Quan họ dưới thuyền từ cổ, nó mang tính chất diễn xướng nghi lễ của ngày hội chùa làng. Trước ngày tắm Phật 5 ngày, tất cả các bọn Quan họ trong làng đều phải tham gia đám rước từ giếng đền Mẫu lên chùa. Đền Giếng nằm ở bãi soi giữa sông Ngũ Huyện Khê. Thuyền rồng chở hai cái chum to ra bãi soi. Chỉ huy đám rước là một cụ già, chèo thuyền rồng bắt đầu khởi hành, cũng là lúc từng đôi thuyền nan (một thuyền toàn nam, một thuyền toàn nữ Quan họ) từng đôi quay mặt vào nhau vừa bơi, vừa hát Quan họ. Khi thuyền rồng ra đến giếng đền, người ta khiêng chum đặt gần bờ giếng. Lúc đó trai gái Quan họ dàn thành hai hàng dọc, múc nước từ giếng rồi vừa chuyền tay nhau đổ vào chum, vừa hát Quan họ. Khi thuyền rồng chở nước đã về chùa để tắm Phật nhưng nam nữ Quan họ vẫn ngồi trên thuyền nan, vẫn dặt dìu hát với nhau đến khuya. Hát Quan họ trên thuyền như thế được kéo dài cho đến ngày giã hội.
Đào Xá, còn có tên nôm gọi là làng Đầu. Theo sách “Đồng Khánh Dư địa chí” thì trước đây làng thuộc xã Châm Khê, tổng Châm Khê, huyện Yên Phong. Đầu những năm 40 của thế kỷ XX thuộc huyện Võ Giàng, từ những năm 50 của thế kỷ XX thuộc xã Phong Khê, huyện Yên Phong.
Khu có hai giáp: giáp trong và giáp ngoài; có 6 xóm: xóm ngõ Cả, xóm ngõ Lò, xóm ngõ Giữa, xóm ngõ Đình, xóm ngõ Dõng, xóm ngõ Sau, cùng nhiều xứ đồng như: bãi Nếp, bãi Hạ, cây Quýt, câu Lêu, mũi Đao, mả Gà, cống Đá, ba Chạ, đồng Chùa, đống Đấm, đồng Sâu, bãi Hồ, đõi Cỗi, tôm Rưu, đồng Quan, cửa Lăng, đằng Đống, bờ Giỏ…
Phong tục tập quán
Việc cưới: từ năm 1954 trở về trước, việc dựng vợ gả chồng cho con cái đều thuộc quyền quyết định của cha mẹ, trên cơ sở nếp nghĩ “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Trước đây thông thường sau khi cưới được 3 năm, cô dâu mới về nhà chồng. Đối với làng, nhà có con gái gả chồng thiên hạ phải nộp cheo cho làng. Cheo làng gồm có một cỗ xôi, một con gà và đôi mâm thau, đôi mâm thau được để tại đình làng, còn xôi, gà, các cụ làm lễ Thánh. Sau hòa bình (1954), việc cưới được tổ chức đơn giản.
Về việc tang: từ năm 1945 trở về trước, làng có quy định: Đối với những ai có chân nhiêu thì nhà có người chết phải tổ chức hai tuần tế. Tuần thứ nhất gọi là tế phát tang; tuần thứ hai gọi là ngu tế. Nếu gia đình nào có người thân chết vào ngày 30 tết hoặc những ngày trước lễ Kỳ Yên (ngày 10 tháng giêng) thì anh em, con cháu trong nhà phải tự đưa người thân ra đồng và phải đi đường tắt chứ không được đi theo đường chính và không được phát tang. Sau lễ Kỳ Yên, gia đình mới được phát tang. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, những hủ tục lạc hậu trong việc tang đã được hủy bỏ
Di tích văn hóa và lễ hội: làng có hai kỳ mở hội, đó là hội Đình và hội Chùa. Hội đình, được mở trong 2 ngày ngày mùng 3 và 4-8 âm lịch. Xưa hội đình được mở từ 6 đến 21 ngày. Hội chùa, được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng giêng.
Đình làng Đào Xá: Thờ Thành hoàng là Trương Hống và Trương Hát và ngài Quý Minh Quang Độ. Trương Hống và Trương Hát là hai vị có công giúp Triệu Quang Phục đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương (thế kỷ thứ VI), nhưng sau này bị nghi oan, hai ngài đã nhảy xuống sông tự tử để bảo toàn khí tiết. Đến thế kỷ XI, hai ngài lại hiển thánh giúp Lý Thường Kiệt đánh bại quân xâm lược nhà Tống trên chiến tuyến sông Như Nguyệt. Đình được xây dựng từ thời Lê, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ngôi đình đã bị phá hủy. Sau nhiều lần trùng tu, phục dựng lại, đến nay đình đã được xây mới hoàn toàn. Đình có lối kiến trúc chữ Đinh (J), 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung.
Hiện nay đình còn giữ được 18 đạo sắc phong của các triều đại phong tặng cho các vị thần được thờ ở đình là Đức Thánh Tam Giang: Dương Hòa năm thứ 5 (1639); Phúc Thái (1647); Thịnh Đức năm thứ 3 (1655); Thịnh Đức năm thứ 4 (1656); Cảnh Trị năm thứ 8 (1670); Dương Đức năm thứ 3 (1674); Vĩnh Thịnh năm thứ 10 (1710); Vĩnh Khánh năm thứ 2 (1730); Cảnh Hưng năm thứ 1 (1740); Cảnh Hương năm thứ 28 (1768); Cảnh Hưng năm thứ 44 (1784); Cảnh Thịnh năm thứ 4 (1796); 2 đạo Thiệu Trị năm thứ 6 (1846); Tự Đức năm thứ 3 (1850); Tự Đức năm thứ 33 (1880); Duy Tân năm thứ 3 (1909); 2 đạo Khải Định năm thứ 9 (1924). Năm 2008, đình Đào Xá được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng “Di tích lịch sử văn hóa” cấp tỉnh.
Chùa Đào Xá:
còn có tên là Phúc Thọ tự, thờ bà Đỗ Thị Ngọc Thám hiệu Diệu Biện quê Bà ở Phủ Thuận An, huyện Gia Lâm, xã Cổ Linh. Theo văn bia “Tạo lập hậu thần bi” dựng vào mùa đông năm Cảnh Trị thứ 9 (1671) ghi: “Bà là cung tần trong chính vương nội phủ được tuyển xung là kỹ nữ. Vua sùng ái hơn tất cả. Năm Canh Dần, Bà ban phát gia tài cho dân, lại cung đức bạc tiền vào chùa. Toàn dân hứa rằng từ nay về sau muôn đời phải cúng lễ 4 mùa, bèn khắc vào bia lưu truyền mãi mãi”. Trong chùa có bệ thờ tượng Pháp Vân, Pháp Vũ…”, tượng: Tam Thế, Thích Ca, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Di Lặc, Chuẩn Đề, Tòa Cửu Long, Sư Tổ, Quan Âm Thị Kính và một số thi giả, họ pháp. Trong điện Mẫu thờ đức Thánh Trần, Tam tòa Thánh Mẫu, 3 vị Tôn ông, 5 vị Đồng nữ.
Ngoài ra ở hai cột đồng trụ khác ở trước nhà tiền đường có 6 bức tranh (mỗi bên 3 bức) mô tả cảnh thầy trò Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh. Chùa có một quả chuông tên là Phúc Thọ tự chung, đúc vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) và 5 tấm bia đá. Một tấm dựng vào năm Chính Trị thứ 8 (1670); một tấm dựng vào mùa đông năm Chính Trị thứ 9 (1671); một tấm dựng vào năm Chính Hòa thứ 3 (1682); một tấm bia nói về việc làm đường đá, dựng vào tháng Giêng năm Mậu Dần, niên hiệu Chính Hòa thứ 3 (1698); một tấm dựng vào năm Tân Mùi, niên hiệu Chính Hòa (1691).
Hệ thống tượng Phật chất liệu gỗ có 23 pho, có niên đại từ thời Lê và Nguyễn, xen kẽ là các đồ thờ cổ chất liệu gốm sứ, gỗ. Quả chuông đồng lớn cao 1,2 mét “Phúc Thọ tự chung” được đúc vào năm 1845. Bên phải là hệ thống bia đá “Hậu thần bi ký”, “Thừa tự bi ký” được dựng khắc vào năm 1670, 1671, 1680, 1705 và 5 tấm bia có niên đại thời Nguyễn vào các năm 1876, 1901, 1902, 1904, 1940 (bia ghi công đức của Đỗ Thị Ngọc Thám, người có công xây dựng chùa được thờ hậu khắc năm 1670- 1671).
- Bắc Ninh - Thí điểm Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh (03/11/2024 22:08)
- Bắc Ninh bảo đảm mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh (03/11/2024 22:04)
- Quyết định 2699/QĐ-BCT của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện (03/11/2024 22:01)
- Hội nghị công bố tỉnh Bắc Ninh không còn hộ nghèo (03/11/2024 21:52)
- Vì một Bắc Ninh thịnh vượng (03/11/2024 21:48)