Di tích lịch sử phường Kinh Bắc

19/06/2019 14:32 Số lượt xem: 1379

1. Đình Yên Mẫn:

Đình Yên Mẫn được xếp hạng là di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia - Quyết định số 154/QĐ, ngày 25/1/1991. Theo các cụ cao niên trong khu cho biết: Đầu thời Lê, đình xây dựng trên khu đất sát liền phía nam chùa. Cuối thời Lê, dân làng đã chuyển dịch ngôi đình sang phía bắc chùa và xây dựng thành một ngôi đình lớn, nổi tiếng trong vùng (các bộ phận kiến trúc của ngôi đình còn lại đến ngày nay đều mang dấu ấn kiến trúc  nghệ thuật cuối thời Lê). Năm 1946, trong đợt “tiêu thổ kháng chiến” ngôi đình đã bị dỡ bỏ. Sau này, dân làng đã tận dụng nguyên liệu của đình cũ để dựng lên ngôi đình hiện nay, trên vị trí của ngôi đình đầu tiên của làng (phía nam chùa).

Đình Yên Mẫn hiện được tọa lạc trên diện tích đất 1.714,5m2, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đât. Đình ở vị trí giữa làng, xung quanh giáp khu dân cư. Khuôn viên đình rộng lớn được bao bọc bởi hệ thống tường bao, bên trong sân có nhiều cây cổ thụ tạo nên sự thâm nghiêm, cổ kính.

Đình Yên Mẫn hiện có kết cấu kiểu “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh” gồm các công trình kiến trúc: Tòa Tiền tế 5 gian phía trước, phía sau là tòa Đại đình gồm Đại bái 3 gian 2 chái và 3 gian Hậu cung. Bộ khung làm bằng gỗ, bộ vì gian giữa tòa Đại bái kiểu “con chồng giá chiêng”. Cửa được mở ở 3 gian giữa hướng Tây Nam kiểu “thượng song hạ bản”. Phần mái đình lợp ngói, bốn góc là bốn đầu đao cong duyên dáng mềm mại.

Đình Yên Mẫn thờ tướng Đinh Bính (Bính Công): Thần tích và truyền thuyết cho biết, Bính Công sinh ngày 7 tháng 4 năm Đinh Dậu, là con của ông Đinh Đán và bà Cao Thị Lương. Thuở nhỏ, ông có tên là Đống, sau mới đổi tên là Bính. Bính Công là người có “trí dũng, anh hùng, độ lượng. Bính Công trưởng thành đúng thời kỳ Triệu Quang Phục đang tiến binh đánh quân Lương. Ông liền hăng hái gia nhập nghĩa quân, cùng các tướng Trương Hống, Trương Hát, Bính Công tham gia xây dựng căn cứ Dạ Trạch, rồi cùng Triệu Việt Vương tiến quân về Kinh Bắc. Đạo quân do Bính Công chỉ huy đóng tại trại Yên Xá (Yên Mẫn sau này). Ông vừa giúp dân diệt trừ yêu tinh, vừa chỉ huy quân dân xây dựng đồn luỹ đánh giặc. Bằng tài thao lược quân sự của mình, Bính Công đã lập nhiều công lớn, cùng Triệu Quang Phục đánh tan quân Lương, làm chủ thành Long Biên. Ông mất ngày 20 tháng 7. Sau khi ông mất, Triệu Quang Phục phong cho ông là Đống Bính đoan đại vương, lại thừa nhận cho nhân dân Yên Xá (Yên Mẫn) là sinh từ chính hộ nhi sở và bài sắc chỉ cho 21 xã phụng thờ.

2. Chùa Yên Mẫn (Di Đà tự):

Chùa Yên Mẫn được xếp hạng là di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia - Quyết định số 154/QĐ, ngày 25/1/1991. Chùa Yên Mẫn được khởi dựng từ thời Lý, trài trường kỳ lịch sử đã nhiều lần được trùng tu tôn tạo. Thời Lê – Nguyễn chùa được xây dựng lại với quy mô lớn gồm nhiều công trình lớn nhỏ trong khuôn viên. Năm 2003 nhiều công trình của chùa được tu sửa lớn. Hiện tại năm 2019, chùa vẫn đang trong quá trình được tu sửa và tôn tạo một số hạng mục công trình.

Chùa Yên Mẫn tọa lạc trên diện tích đất 3.111,6m2, đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Di tích được bố trí ở trung tâm khu Yên Mẫn xung quanh chùa giáp khu dân cư. Gần bên cạnh là đình làng tạo thành một quần thể di tích cổ kính thâm nghiêm.

Chùa Yên Mẫn hiện có các công trình: Tam quan, Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, nhà tổ nhà mẫu, hai dãy hành lang. Tiền đường gồm 3 gian, bộ khung gỗ, bộ vì nóc kiểu “con chồng giá chiêng”. Phần mái lợp ngói với các góc đao cong mềm mại. Cửa được mở ở 3 gian giữa hướng Tây. Xung quanh bên ngoài được bao bọc bởi các dãy hành lang chạy dọc xung quanh.

Giống như tất cả các ngôi chùa khác, chùa Yên Mẫn được dựng lên từ lâu đời để thờ Phật, thờ Mẫu, thờ các vị tổ sư là trung tâm sinh hoạt tôn giáo đạo Phật của nhân dân địa phương.

3. Đình Y Na:

Đình Y Na vốn được xây dựng với quy mô lớn vào thời Lê Trung Hưng (TK XVIII), dấu ấn còn để lại ở hệ thống nền móng và một phần kiến trúc gỗ cổ là các mảng chạm khắc trang trí. Khi ấy, đình Y Na gồm 2 toà, đình Thượng, đình Hạ, với các gian lớn. Các toà đều được chạm bằng bộ khung gỗ lim, mái ngói đao cong, chạm khắc trang trí "tứ linh, tứ quý" lộng lẫy. Bên cạnh đình là đền Hạ thờ "Thánh Mẫu" sinh ra năm vị Thành hoàng làng. Nhưng trải lịch sử, đình Y Na trong kháng chiến chống Pháp đã bị phá hủy gần hết tòa Đình Thượng, ngay sau hoà bình, nhân dân Y Na đã cùng nhau quyên góp để  trùng tu ngôi đình. Những năm gần đây lại trùng tu, tôn tạo để ngôi đình có quy mô to lớn, bề thế như hiện nay. Đình Y Na được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá - Quyết định số 3534/QĐ-UBND, ngày 20/03/2007.

Đình Y Na hiện được tọa lạc trên diện tích đất 4657m2, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đât. Đình nằm ở vị trí phía Tây của khu Y Na, phía Đông giáp trục đường Âu Cơ, các phía còn lại giáp khu dân cư. Khuôn viên đình rộng lớn được bao bọc bởi hệ thống tường bao, bên trong sân có nhiều cây cổ thụ tạo nên sự thâm nghiêm, cổ kính.

Hiện nay, đình Y Na có kiến trúc kiểu "tiền chữ nhất, hậu chữ đinh". Toà Tiền tế 5 gian, bộ khung gỗ lim, vì kiểu "chồng rường", với 4 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc, tường xây bít đốc 2 đầu hồi; cửa mở ở 3 gian giữa với hệ thống cửa thượng song hạ bản. Toà Tiền tế là kiến trúc của thời Nguyễn còn giữ lại được vào đợt trùng tu năm 1933 và còn gìn giữ cho đến ngày nay. Toà Đại đình hình chữ đinh, gồm Đại bái 3 gian 2 chái, Hậu cung 2 gian, kết cấu vì nóc theo kiểu “giá chiêng”, liên kết bởi 6 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc. Đình còn giữ lại bức cửa võng, chạm khắc "tứ linh, tứ quý" là điêu khắc của thời Nguyễn.. Hậu cung có bộ vì kiểu “giá chiêng” với 3 hàng cột dọc và 2 hàng cột ngang. Nhìn tổng thể đình Y Na có dáng vẻ to lớn, nhưng lại mềm mại duyên dáng bởi những lớp mái ngói đao cong.

Đình Y Na thờ những danh tướng có công đánh giặc Ân vào thời Hùng Vương thứ 6. Các ngài là: Tam Giới Hộ Quốc, Hắc Quang Quý Minh, Phổ Tráng Uy Đức, Ninh Thần Già Lam, Thượng Khoa Trí Dũng. Các ngài đã có công đã đem quân cùng với Phù Đổng Thiên Vương đánh tan giặc Ân xâm lược. Đất nước bình yên, vua phong thưởng cho 5 ngài được ăn lộc ở huyện Quế Dương, danh trại đúng ở trang Y Na. Sau khi các ngài mất vào ngày 15 tháng 3. Nhà vua đã lệnh cho trang Y Na lập đền thờ các ngài làm thần mãi mãi.

Đình Y Na còn lưu giữ được tòa Tiền tế cùng một số mảng chạm khắc và bức cửa võng tòa Đại đình từ thời Nguyễn có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Các đồ thờ tự, sắc phong là những sản phẩm tiêu biểu cho những quan điểm và phong cách kỹ - mỹ thuật của những thời kỳ khác nhau trong lịch sử.

4. Chùa Y Na (Phúc Thọ tự):

Chùa Y Na vốn được khởi dựng từ lâu đời và đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa bị dỡ bỏ, việc thờ tự Phật được đưa về vị trí đất đền của làng. Năm 2002 ngôi chùa được xây dựng khang trang bề thế như dáng vẻ hiện nay trên nền đất cũ của đền nay đã trở thành đất chùa.

Chùa Y Na hiện tọa lạc trên diện tích đất 3242,8m2, đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phía Tây của chùa giáp trục đường Âu Cơ, phía Nam giáp trục đường Hồ Ngọc Lân, hai phía Đông và phía Bắc còn lại giáp khu dân cư. Cổng chùa và tòa Tam bảo quay theo hướng Nam nhìn ra đường Hồ Ngọc Lân. Toàn bộ khuôn viên chùa được xây tường bao bảo vệ, các công trình kiến trúc khang trang tố hảo.

Tòa Tam bảo chùa Y Na hiện có kiến trúc kiểu chữ Đinh với thiết kết chồng diêm 2 tầng 8 mái ngói đao cong. Tòa Tam bảo gồm Tiền đường 5 gian, Thượng điện 3 gian. Bộ khung làm bằng bê tông liên kết bởi 6 hàng cột ngang 4 hàng cột dọc, phần hoành rui bằng gỗ. Bộ vì nóc kiểu “con chồng giá chiêng”, bộ vì nách kiểu “chồng rường”. Trên các bộ phận hầu như để trơn, ít trang trí đắp vẽ. Hệ thống cửa được mở ở 3 gian giữa theo kiểu “thượng song hạ bản”. Bên cạnh công trình chính là tòa Tam bảo, trong khuôn viên của chùa còn có nhà Tổ, nhà mẫu và nhà ở của sư trụ trì đều được xây dựng theo dáng vẻ truyền thống, hài hòa với kiến trúc của công trình chính.

Giống như tất cả các ngôi chùa khác, chùa Y Na được dựng lên từ lâu đời để thờ Phật, thờ Mẫu, thờ các vị tổ sư là trung tâm sinh hoạt tôn giáo đạo Phật của nhân dân địa phương.

5. Đình Thị Chung:

Căn cứ vào kết quả khảo sát tại địa phương thì đình Thị Chung vốn được khởi dựng vào thời Lê khoảng TK XVIII. Về vị trí ngôi đình, kể từ buổi ban đầu đến nay đã qua một số lần thay đổi. Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết: đầu thời Lê, đình xây dựng trên khu đất sát phía Đông của ngôi đình hiện nay. Đến cuối thời Lê, dân làng đã chuyển dịch ngôi đình sang sát liền chùa và xây dựng thành một ngôi đình lớn. Đình xưa có quy mô to lớn gồm Tiền Tế 7 gian, Đại Đình 7 gian và 3 gian Hậu cung, hai bên là hai dãy nhà Tả vu và Hữu vu, bộ khung gỗ lim chắc khoẻ, nghệ thuật trang trí chạm khắc tinh xảo. Ở giữa là lòng giếng, hai bên đình lắp hệ thống sàn gỗ.

Năm 1947, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, đình đã bị phá dỡ hoàn toàn. Năm 1992, nhân dân đã dựng tạm ngôi đình nhỏ 3 gian. Đặc biệt vào năm 2010, với truyền thống hướng về nguồn cội, nhân dân địa phương đã góp công, góp của xây dựng lại ngôi đình với dáng vẻ kiến trúc truyền thống tại vị trí như hiện nay.

Đình làng được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá - Quyết định số 1160/QĐ-UBND, ngày 20/08/2012.

Đình Thị Chung hiện tọa lạc tại thửa đất có diện tích 987,9m2, đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt trước của đình giáp ranhvà quay ra trục đường Hồ Ngọc Lân, đối diện với Nhà văn hóa khu Thị Chung. Phía Bắc giáp chùa Thị Chung, phía Tây và Nam giáp khu dân cư. Đình và chùa nằm cạnh nhau tạo thành một quần thể di tích quy mô, khang trang tố hảo.

Hiện đình có kiến trúc hình chữ Đinh, gồm tòa Đại bái và Hậu cung, dải hiên chạy bốn góc xung quanh đình.

Đại bái 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong mềm mại, bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt trời và mặt hổ phù, bờ dải đắp con xô, con kìm, mái lợp ngói mũi hài, cửa mở ở 3 gian giữa kiểu “thượng song hạ bản”, hai gian bên trổ cửa hình chữ Thọ tròn. Bộ khung làm bằng bê tông, liên kết bởi 6 hàng cột ngang, 4 hàng cột dọc. Kết cấu vì nóc làm theo kiểu “giá chiêng trụ cột trốn”, vì nách giá chiêng cột trốn. Ngôi đình được thiết kế theo kiểu truyền thống, trên các bộ phận kiến trúc như đầu dư, con rường, bẩy hiên… đều được trang trí hình hoa lá cách điệu. Hậu cung liên kết bởi 3 hàng cột ngang, 2 hàng cột dọc.

Đình là nơi thờ thành hoàng làng là Đống Bính Đại vương, người đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm vào TK VI và giúp dân diệt trừ thú dữ, ác quỷ. Sau khi ông mất, Triệu Quang Phục phong cho ông là Đống Bính đoan đại vương, lại bài sắc chỉ cho 21 xã phụng thờ trong đó có Thị Chung.

6. Chùa Thị Chung (Linh Quang tự):

Chùa Thị Chung vốn được khởi dựng từ lâu đời là trung tâm thờ Phật của nhân dân địa phương. Căn cứ vào các tài liệu văn bia, văn chuông hiện lưu giữ tại chùa cho biết, chùa Thị Chung được trùng tu xây dựng với quy mô lớn vào thời Nguyễn (TK XIX) gồm các công trình như: Tam quan,  Gác chuông, Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, sân chùa…cùng vườn tược cây cối thâm nghiêm.

Trải bao sự tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh, chùa Thị Chung đã bị xuống cấp nặng nề. Năm 2010, cùng với đình Thị Chung, ngôi chùa đã được trùng tu tôn tạo lại với dáng vẻ khang trang trên nền xưa đất cũ.

Đình làng được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá - Quyết định số 1160/QĐ-UBND, ngày 20/08/2012.

Chùa Thị Chung hiện tọa lạc tại thửa đất có diện tích 1.918,7m2, đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt trước của chùa giáp danh và quay ra trục đường Hồ Ngọc Lân, đối diện với Nhà văn hóa khu Thị Chung. Phía Nam giáp đình Thị Chung, phía Tây và Bắc giáp khu dân cư. Đình và chùa nằm cạnh nhau tạo thành một quần thể di tích quy mô, khang trang tố hảo.

Các công trình kiến trúc của chùa bao gồm: Tam quan, Gác chuông, Tam bảo, nhà tổ, nhà mẫu, nhà bia, vườn tháp cùng một số công trình phụ trợ khác.

Tam bảo là công trình kiến trúc chính của chùa có kết cấu kiểu chữ Đinh gồm 5 gian 2 dĩ Tiền đường và hai gian Thượng điện. Tiền đường được xây theo lối bình đầu bít đốc, mái lợp ngói mũi, giữa bờ nóc đắp nổi tên chùa “Linh Quang tự”. Bộ khung gỗ lim chắc khoẻ được liên kết bởi 4 hàng cột ngang, 5 hàng cột dọc, vì nóc “giá chiêng chồng rường”, vì nách “kẻ ngồi”. Trên các cấu kiện kiến trúc như con rường, bẩy hiên, các bộ vì được chạm khắc hình hoa lá cách điệu. Nối với gian giữa Tiền đường là hai gian Thượng điện liên kết bởi 3 hàng cột ngang, 2 hàng cột dọc, vì nóc “giá chiêng chồng rường”.

Chùa là nơi thờ Phật, thờ Mẫu và các vị tổ sư. Đây là trung tâm thờ Phật của nhân dân hướng con người đến những điều tốt đẹp, khuyến đến điều thiện, dời xa cái ác.

7. Đình Niềm Xá:

Đình Niềm Xá vốn được khởi dựng từ thời Lê (TK XVIII). Trong kháng chiến chống Pháp, đình đã bị phá hủy một phần, đến năm 1972 nhân dân buộc phải dỡ bỏ tòa Đại bái, chỉ còn lại phần Hậu cung. Năm 1994 nhân dân địa phương phục dựng lại tòa Đại bái. Gần đây năm 2011 được xây dựng lại theo lối kiến trúc truyền thống.

Đình được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá - Quyết định số1802/QĐ-UBND ngày18/02/2007.

Đình Niềm Xá hiện tọa lạc trên diện tích đất 609,7m2. Đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng. Phía trước đình là hồ bán nguyệt có diện tích khá lớn, qua bên kia hồ là nhà văn hóa thôn và và nhà chứa Quan họ. Đình quay theo hướng Tây, các phía Bắc, Nam giáp nhà dân, phía Đông giáp chùa Linh Quang. Nhìn chung cảnh quan đình Niềm thoáng mát với không gian mở, hài hòa với tự nhiên.

Đình hiện có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm tòa Đại bái 3 gian 2 chái và Hậu cung 2 gian. Bộ khung được làm bằng gỗ lim với những cột gỗ to khỏe vững chãi liên kết bởi 6 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc. Bộ vì kết cấu theo kiểu “con chồng giá chiêng”. Hệ thống cửa mở ở 3 gian giữa theo kiểu “thượng song hạ bản”, hướng Tây. Phần mái lợp ngói với 4 góc đao cong. Phía trước đình có cổng nghi môn nhưng không xây tường bao để thông thoáng với xung quanh.

Đình Niềm Xá là công trình văn hóa tín ngưỡng thờ danh tướng Lê Phụng Hiểu người có công lớn giúp vua Lý Thái Tông dẹp "loạn tam vương" (1028), đánh tan giặc Chiêm Thành (1044) và có nhiều công lao lớn với dân, với nước. 

Lê Phụng Hiểu sinh ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Ngọ tại Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ đã ham học võ nghệ . Bấy giờ vua Lý Thái Tổ đang tuyển những người có sức khoẻ, am hiểu về võ thuật để sung vào túc vệ quân (quân cấm vệ) trấn giữ kinh thành. Ông lên kinh dự thi và được tuyển dụng. Chỉ ít lâu sau Lý Thái Tổ đã thăng cho Lê Phụng Hiểu chức Vũ vệ tướng quân .

Năm 1028 vua Lý Thái tổ mất có di chiếu truyền ngôi cho thái tử Phật Mã. Ba hoàng tử là Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương và Vũ ĐứcVương nghe tin liền đem quân bao vây kinh thành để cướp ngôi làm loạn. Tướng quân Lê Phụng Hiểu chỉ huy cấm vệ quân dẹp được loạn tam vương. Ông được vua thăng chức “Đô thống vương tướng quân” tước Hầu.

Một thời gian sau, Lê Phụng Hiểu lại giúp triều đình đánh tan giặc Chiêm Thành. Sau khi đánh thắng giặc ông được vua ban cho thực ấp, trong đó có đất Niềm Xá. Sau khi ông mất nhân dân lập đền thờ và tôn ông làm thành hoàng làng.

8. Chùa Niềm Xá (Linh Quang tự):

Chùa Niềm Xá xây dựng từ thời Nguyễn và đã qua nhiều lần tu bổ tôn tạo. Năm 2002 do các công trình xuống cấp nặng nên chùa được xây dựng lại trên nền xưa đất cũ với dáng vẻ truyền thống nhưng quy mô lớn hơn, khang trang bề thế.

Chùa Niềm Xá tọa lạc trên diện tích đất 1.918,7m2, đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chùa nằm ở vị trí cạnh đình, phía Tây giáp đình Niềm Xá, các phía còn lại giáp khu dân cư. Tổng thể các công trình kiến trúc và khuôn viên mới được tu tạo nên khang trang, sạch đẹp.

Chùa hiện có các công trình: Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu. Tòa Tam bảo kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm Tiền đường 7 gian, thượng điện 3 gian, bộ khung làm bằng bê tông, bộ vì nóc kiểu thượng kẻ ngồi giá chiêng, hạ kẻ ngồi bẩy hiên. Cửa được mở ở 5 gian phía trước hướng Tây theo kiểu cửa bức bàn. Chùa có kiến trúc kiểu bình đầu bít đốc tay ngai. Phần mái được lợp ngói trên đỉnh nóc đắp tên chữ của chùa (Linh Quang tự) bằng chữ Hán.

Chùa Niềm Xá là công trình tôn giáo thờ Phật của nhân dân địa phương, chùa đã được xây tường bao bảo vệ, đất đai có giấy chứng nhận được bảo vệ tránh sự xâm lấn. Trong chùa có sư trụ trì cùng chính quyền và nhân dân địa phương luôn quan tâm, bảo vệ, gìn giữ tôn tạo cảnh chùa thêm khang trang tố hảo. Các hoạt động tôn giáo được thực hiện tốt. Hệ thống tượng Phật cùng các đồ thờ tự được bài trí đúng theo lối truyền thống.

9. Chùa Đại Thành:

Chùa Đại Thành được khởi dựng từ thời Nguyễn và đã qua nhiều lần tu bổ tôn tạo. Hiện nay đây chính là trụ sở trung tâm của Giáo hội phật giáo tỉnh Bắc Ninh. Năm 2002 chùa được xây dựng 2 dãy nhà khách phía sau Tam bảo, mỗi dãy nhà gồm 2 tầng, 13 phòng làm nơi làm việc của giáo hội. Năm 2007 tòa Tam bảo được nâng cấp làm 2 tầng, tầng dưới là hội trường và lớp học Phật giáo, tầng 2 là tòa Tam bảo cũ đưa lên. Đến nay chùa vẫn đang trong quá trình tôn tạo các di tích theo quy hoạch.

Chùa Đại Thành tọa lạc trên khuôn viên có diện tích rất lớn 20.966,6m2, trong đó 20.815,3m2 thuộc địa phận phường Khúc Xuyên và 151,3m2 thuộc địa phận phường Kinh Bắc. Đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng. Toàn bộ khuôn viên cảnh quan và các công trình kiến trúc đã được quy hoạch tổng thể và đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện. Cảnh quan của chùa có thể coi là một trong những di tích đẹp tiêu biểu của Bắc Ninh.

Hiện nay chùa gồm có các công trình: Tam quan, Tam bảo, nhà khách, tháp 9 tầng. Công trình chính gồm 2 tầng, tầng 1 là trường học Phật giáo, tầng 2 là tòa Tam bảo. Tam bảo kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm Tiền đường 7 gian, thượng điện 3 gian. Bộ khung bằng gỗ, kết cấu bộ vì theo kiểu “giá chiêng trụ cột trốn”, bộ vì nách kiểu ván mê. Cửa được mở ở 5 gian giữa, hướng Tây theo kiểu cửa bức bàn. Phần mái với bốn góc đao cong mềm mại.

Chùa là trung tâm thờ Phật, hơn nữa lại là trụ sở của giáo hội phật giáo tỉnh nên thường xuyên diễn ra các hoạt động tôn giáo lớn tại đây. Chùa Đại Thành là công trình tôn giáo lớn, trung tâm giáo hội phật giáo tỉnh, được chính quyền địa phương, nhân dân và giáo hội bảo vệ, gìn giữ, tu tạo ngày càng khang trang bề thế về quy mô, tinh xảo về nghệ thuật kiến trúc và đồ thờ tự. Các hoạt động tôn giáo ở đây diễn ra với quy mô lớn và được tổ chức tốt. Đất đai được cấp giấy chứng nhận, có tường bao bảo vệ rõ ràng.

Chùa Đại Thành là nơi bảo lưu các tài liệu cổ vật như bia đá, chuông, đồ thờ tự có giá trị về lịch sử, phản ánh quá trình tồn tại của ngôi chùa và quê hương trong quá trình phát triển. Hiện nay đây là trung tâm trụ sở giáo hội phật giáo tỉnh có ý nghĩa và tầm ảnh hưởng lớn trong hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Chùa Đại Thành là công trình di tích có quy mô và ý nghĩa lớn. Vẻ đẹp bề thế, tinh xảo của các công trình kiến trúc cùng hệ thống cổ vật, di vật mang những giá trị về nghệ thuật và thẩm mỹ cao.

Bảng phân loại di tích lịch sử trên địa bàn phường Kinh Bắc:

TT

Tên Di tích

Địa chỉ

Phân Loại

Cấp xếp hạng

Ghi chú

1

Đình Yên Mẫn

Khu phố Yên Mẫn

Di tích kiến trúc nghệ thuật

Quốc gia

 

2

Chùa Yên Mẫn

Khu phố Yên Nẫm

Di tích kiến trúc nghệ thuật

Quốc gia

 

3

Đình Y Na

 Khu phố Y Na

Di tích Lịch sử

Cấp tỉnh

 

4

 Chùa Y Na

 Khu phố Y Na

Di tích lịch sử

Chưa xếp hạng

 

5

Đình Thị Chung

Khu phố Thị Chung

Di tích lịch sử

Cấp tỉnh

 

6

Chùa Thị Chung

Khu phố Thị Chung

Di tích lịch sử

Cấp tỉnh

 

7

Đình Niềm Xá

Khu phố Niềm Xá

Di tích lịch sử

Cấp tỉnh

 

8

Chùa Linh Quang

Khu phố Niềm Xá

Di tích lịch sử

Chưa xếp hạng

 

9

Chùa Đại Thành

Khu phố Niềm Xá

Di tích lịch sử

Chưa xếp hạng

 

Nguồn: UBND phường Kinh Bắc